Chuyển đổi số ở doanh nghiệp nội thất Việt Nam: Ứng dụng nhiều, thách thức lớn
Đây là lần đầu tiên nhà máy mở cửa đón tiếp cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng ngành tham quan”, ông Trần Quang Thuận - Tổng giám đốc nhà máy AA Tây Ninh nói về chuyến đi thực tế đầy thú vị này. Theo ông Thuận, nhà máy AA Tây Ninh có diện tích 150ha, đã hoàn thiện và hoạt động ở giai đoạn 1 với 50ha, tổng kinh phí đầu tư là 1.400 tỷ đồng. “Hai giai đoạn còn lại có diện tích 100ha sẽ xây dựng khu công nghiệp sinh thái và phụ trợ cho ngành gỗ nói chung và cho AA nói riêng”, ông Thuận cho biết.
Nỗ lực chuyển đổi số
AA Corporation (AAC) hiện là tên tuổi lớn trong ngành thiết kế và sản xuất, gia công và xuất khẩu đồ nội thất gỗ. Trong đó, mạnh nhất là mảng nội thất dự án.
Ông Nguyễn Anh Nguyên - Phó tổng giám đốc AAC cho biết, ước tính doanh thu năm 2022 của AAC là 3.000 tỷ đồng. Như vậy, mỗi người lao động của AAC trong năm nay sẽ tạo ra giá trị là 1 tỷ đồng.
Hiện các các nhà máy vệ tinh của tổ hợp AAC, như AA Tây Ninh, thực hiện trọn gói quy trình sản xuất, từ nguyên liệu cho đến thành phẩm, đóng gói, giao hàng, thiết kế, lắp đặt. “Có những đơn hàng đến hàng ngàn sản phẩm nhưng cũng có đơn hàng chỉ vài chục sản phẩm. Thách thức lớn về mức linh hoạt nhưng AA đã làm được từ nhiều năm nay, nhờ đội ngũ lãnh đạo đã quyết liệt với mục tiêu chuyển đổi số”, ông Nguyên cho biết. Nhiều năm qua, AAC đã mạnh tay đầu tư công nghệ trong sản xuất và quản lý tại các nhà máy vệ tinh.
AA Tây Ninh được FPT Telecom lắp đặt một trạm internet riêng để phục vụ cho 1.000 thiết bị máy tính và ngoại vi, trong đó có 500 camera, 60 server, hệ thống cáp quang đến từng phân xưởng... Tại AA Tây Ninh, một sản phẩm sau khi hoàn thành trên máy bằng phần mềm riêng sẽ được tách ra từng chi tiết để chuyển xuống các phân xưởng sản xuất. Theo ông Nguyễn Ngọc Khoa - Phó tổng giám đốc AA Tây Ninh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đồ gỗ rất khó, nhà sản xuất phải kiên trì và chịu đầu tư mới tạo ra sản phẩm hài lòng khách hàng. Bởi, hình ảnh trên màn hình thể hiện là vậy nhưng qua nhiều khâu sản xuất bằng tay như cắt, tiện, bào… để có được các linh kiện chính xác là điều cực kỳ khó.
Cùng với AAC, một cái tên khá nổi bật trong ngành gỗ cũng đang chuyển đổi số quyết liệt là Công ty cổ phần Tập đòan Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF). Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu - Tổng giám đốc TTF, ứng dụng công nghệ ở DN chế biến gỗ này được xem là “TTF digital life”, với nhiều giải pháp và nền tảng nổi bật. Hiện các ứng dụng công nghệ đang được triển khai hiệu quả tại TTF bao gồm: SAP, TDS (cổng số hóa quy trình, giấy tờ), THAGORA (tối ưu các tỉ lệ tiêu hao), FARO (đo đạc sự vật theo 3 trục không gian), HANET (chấm công khuôn mặt), Energy Management System… cùng với nhiều công cụ khác đang được nghiên cứu và phát triển.
Khắc nghiệt của thực tế
So với các ngành sản xuất khác trong cả nước, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá DN ngành nội thất đang có tinh thần chuyển đổi số rất tốt và tốc độ ứng dụng công nghệ vào đời sống DN rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thách thức mà các DN phải đối mặt trong hành trình này cũng không hề nhỏ.
Câu chuyện về sự thất bại của AA Tây Ninh trong quá trình chuyển đổi số là ví dụ. DN này từng lắp đặt 167 camera AI tại phân xưởng số 3 để nghiên cứu hành vi công nhân, cải tiến năng suất nhưng thất bại vì thiếu quyết tâm. Ông Nguyên nhận xét: “Giấc mơ lớn nhưng thiếu quyết tâm sẽ thất bại. Đầu tư công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ thông tin để phát triển DN là đúng nhưng nếu không nghiên cứu kỹ và kiên trì sẽ thất bại!”.
AA Tây Ninh hiện đã có hệ sinh thái phần mềm quản lý sản xuất và điều hành hoàn chỉnh mà khó DN nào có được, nhưng theo ông Đặng Vĩnh Lập - Giám đốc Công nghệ thông tin của AA Tây Ninh, tốc độ phủ định của công nghệ thực sự là một thách thức cho bất cứ DN chuyển đổi số nào. Hiện nhiều phần mềm mà AAC sử dụng đã bắt đầu lạc hậu với thực tế phát triển. Do vậy, AAC phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống ERP có tích hợp IoT, từ quản lý sản xuất, hàng hóa, công trình, đối tác - khách hàng... “Muốn chuyển đổi số và đầu tư công nghệ thông tin trong ngành sản xuất gỗ, trước hết, DN phải xác định nhu cầu, sau đó làm từng bước, phải mạnh dạn đầu tư và có sự giúp sức của các chuyên gia công nghệ. Ngành gỗ cần có những giải pháp công nghệ quản lý đơn giản theo đặc thù sản xuất của ngành”, ông Lập nói.
WIN
“Ngành nội thất đang có tinh thần chuyển đổi số và tốc độ ứng dụng công nghệ vào đời sống DN rất mạnh mẽ”
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV
Nguồn: Minh Tú