Phải xem chuyển đổi số là một cuộc “lột xác”

Phải xem chuyển đổi số là một cuộc “lột xác”

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

* Bản thân các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, dù doanh thu hàng tỷ USD, ra đời lâu nhưng họ vẫn cho rằng việc chuyển đổi số (CĐS) còn rất yếu, rời rạc, mạnh ai nấy làm... Theo ông, vì sao như vậy?

- Điều này không chỉ gặp ở Việt Nam mà qua nghiên cứu ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới cũng vậy. Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng cho Industry 4.0 của DN nội thất châu Âu năm 2018 do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Tây Ban Nha thực hiện, mức độ sẵn sàng của ngành gỗ và sản phẩm gỗ còn thấp so với các ngành khác.

Nhằm đồng hành, hỗ trợ các DN ngành gỗ Việt Nam trong tiến trình CĐS, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ châu Á (TAF), trong thời gian 2020-2021, nhóm chuyên gia của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC) cùng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã khảo sát và xây dựng báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về CĐS của DN ngành gỗ Việt Nam vừa công bố vào cuối năm 2021.

Với vai trò thành viên ban cố vấn HAWA, tôi có cơ hội tham gia tư vấn, phản biện và đóng góp ý kiến cho quá trình khảo sát và phân tích. Kết quả cho thấy, mức độ sẵn sàng của DN thành viên HAWA ở mức khiêm tốn so với các quốc gia có ngành gỗ và sản phẩm gỗ phát triển.

Điều này có một số nguyên nhân chính:

Chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ chuyên môn. Nhiều DN ngành gỗ đi lên từ thời kỳ đầu, ít người được đào tạo chuyên môn sâu về ngành gỗ, công nghệ. Họ phát triển DN theo định hướng gia công, ít có nhu cầu về CĐS; lực lượng kỹ sư còn ít, chủ yếu là lao động phổ thông. Việc ứng dụng công nghệ chỉ mới bắt đầu được quan tâm khoảng 5 năm trở lại đây.

Phân khúc ngành hàng chủ lực của ngành gỗ Việt Nam là gia công, theo yêu cầu đặt hàng và hướng dẫn từ nhà mua hàng nên CĐS chưa là mục tiêu cấp bách.

Nhưng nhìn về tương lai, ngành gỗ đang ở giai đoạn chuyển tiếp sang các thế hệ thứ 2, thứ 3 được đào tạo bài bản tại nước ngoài, có nguồn lực tài chính mạnh nên tầm nhìn về đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo khác biệt so với các thế hệ đi trước. Điều này tạo những thuận lợi để DN hướng đến việc CĐS mạnh mẽ hơn.

* Có cách nào khắc phục thực tế này không, thưa ông?

- Theo tôi, cần có những tổ chức có tính chuyên gia cao để hỗ trợ DN như trường, viện, hiệp hội trong - ngoài nước. Cụ thể, các trường sẽ phát triển các chương trình đào tạo nhân lực có chuyên môn và tầm nhìn về CĐS. Viện, trung tâm… cần có những nghiên cứu, đánh giá để giúp DN định hướng đúng và lộ trình CĐS. Hiệp hội kết nối các bên cung cấp dịch vụ chất lượng, kết nối đội ngũ chuyên gia quốc tế để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm…

Cũng như các ngành nghề khác, CĐS trong ngành gỗ và sản phẩm gỗ cần lãnh đạo cao nhất của DN và tham gia quyết liệt. Bên cạnh đó, việc đầu tư đúng và đủ cho CĐS là yếu tố quan trọng.

Việc CĐS không thể chỉ thực hiện bởi các DN riêng lẻ mà cần sự tham gia, điều phối và dẫn dắt của bộ, ngành và các hiệp hội, tạo điều kiện cho sự chuyển dịch từ chuỗi cung ứng ngành gỗ và sản phẩm gỗ sang mạng cung ứng số ngành gỗ và sản phẩm gỗ với những mô hình kinh doanh mới, quy luật mới được tạo nên bởi ứng dụng các công nghệ, nền tảng số 4.0 cùng các chính sách hỗ trợ phù hợp.

* Nếu thực hiện CĐS cho DN ngành gỗ, theo ông nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?

- Việc này cần tiến hành song song từ trên xuống, từ dưới lên ở cấp bộ ngành, hiệp hội và DN, tạo nên sự chuyển đổi có định hướng, đón đầu xu hướng chuyển dịch sang mạng lưới cung ứng số trong ngành gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu đã phát triển nhanh trong 2 năm qua.

Chiến lược CĐS ngành gỗ cần cụ thể hơn với các hỗ trợ về cả cơ chế, chính sách, kỹ thuật và tài chính. Các hiệp hội ngành cần đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với bộ ngành, các tổ chức quốc tế để thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, các DN lớn cần đẩy mạnh hơn nữa việc CĐS và sẵn sàng nhận sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt để các DN nhỏ học hỏi. Với DN gỗ, tùy theo mức độ “trưởng thành số” của mình, đầu tư vào CNTT để từng bước bắt nhịp với mô hình trong nước và quốc tế như thương mại điện tử, đào tạo CĐS, tiếp thị số, công cụ/nền tảng hợp tác, văn phòng không giấy...

* Nhà tư vấn và triển khai các dịch vụ CĐS cần tập trung vào những khâu nào?

- Theo tôi, nhà tư vấn cần giúp lãnh đạo DN xây dựng cho được tầm nhìn CĐS đúng, không quá xa vời nhưng cũng không quá hạn hẹp; chọn giải pháp phù hợp khi đã hiểu được tầm nhìn và định hướng của DN; quá trình triển khai là yếu tố then chốt, cần đội ngũ có chuyên môn thực chiến, am hiểu về CĐS xuyên suốt quá trình triển khai tại DN.

* DN ngành gỗ đồng hành với nhà tư vấn khi thực hiện CĐS như thế nào?

- Giữa nhà tư vấn và DN cần có tư duy win-win và cùng đầu tư trong việc triển khai CĐS mang lại lợi ích lâu dài, lan tỏa trong cả mạng lưới cung ứng thay vì cung cầu truyền thống theo dự án ngắn hạn. Nhà tư vấn đồng hành với DN theo tinh thần “thắng cùng hưởng, bại cùng chia sẻ” để giải quyết bài toán của DN như của chính mình, hướng đến mục tiêu chung.

Về phía DN, cần sự cam kết và tham gia của lãnh đạo cao nhất, xuyên suốt cho chương trình CĐS; cần đầu tư đủ cho CĐS về công nghệ, con người và quy trình. Suy cho cùng, hai từ “chuyển đổi” đồng nghĩa với “lột xác”. Muốn có thành quả lớn phải vượt qua những “đau đớn”!

* Xin cảm ơn ông.

WIN:

Cần đầu tư đủ cho chuyển đổi số về công nghệ, con người và quy trình. Suy cho cùng, hai từ “chuyển đổi” đồng nghĩa với một cuộc “lột xác”

 

Mỹ Thạch thực hiện

1 box FPT.jpg

Tin tức - sự kiện liên quan